Những truyền thuyết văn hóa của bộ tộc Boruca của Costa Rica

Bộ tộc Boruca được coi là một trong những người bản địa lâu đời của Costa Rica. Dân số của họ không quá nhiều, tuy nhiên họ vẫn tồn tại từ thế kỷ 16 cho đến nay. Văn hóa của bộ tộc được gìn giữ một cách rất cẩn thận theo từng đời truyền nối. Một trong những nét văn hóa đặc sắc nhất của họ chính là chạm khắc. Nhiều nhà khảo cổ Costa Rica đã tìm ra những tác phẩm của người Boruca từ rất lâu về trước. Điều đó chứng tỏ đây là một trong những văn hóa mang tính chất lịch sử. Để tìm hiểu sâu hơn về văn hóa của bộ tộc Boruca, hãy cùng gwaam đọc bài viết dưới đây.

Giới thiệu về bộ tộc Boruca

Boruca là một bộ tộc bản địa lâu đời tại Costa Rica, phía Nam Thái Bình Dương. Với dân số khoảng 2.000 người, bộ tộc Boruca sinh sống ở giữa dãy núi Talamanca cách Panama 20km. Bộ tộc Boruca (còn có tên gọi khác là Brunca, Brunka hoặc Borunca) nổi tiếng với những chiếc mặt nạ chạm khắc bằng tay nổi bật. Nhưng văn hóa của người Boruca không chỉ thể hiện ở nghệ thuật điêu khắc mặt nạ mà còn ở những truyền thuyết được truyền miệng trong nhiều thế kỷ.

Giới thiệu về bộ tộc Boruca
Giới thiệu về bộ tộc Boruca

Nằm sâu trong dãy núi Talamanca, cuộc sống của người Boruca gần như cách biệt trong thời kỳ Tây Ban Nha xâm chiếm Costa Rica vào thế kỷ 16. Do đó, văn hóa của người Boruca đã được bảo tồn nguyên vẹn đến ngày nay.

Người Boruca chủ yếu trồng lúa, đậu, cà phê, ca cao, trái cây, ngô và cà chua; đồng thời chăn nuôi bò, gà và lợn. Hầu hết người Boruca chỉ trồng đủ lương thực để nuôi sống gia đình. Thực phẩm chính trong bữa ăn của người Boruca là gạo, đậu, ngô, cà chua, chuối tây. Các lễ kỷ niệm của Boruca đều có món bánh nếp tên gọi “tamale”. Trong cuộc sống hiện đại, các ngôi làng của người Boruca đều có trung tâm y tế nhỏ nhưng một số ít dân làng vẫn theo các phương pháp chữa bệnh truyền thống. Một số bài thuốc cổ truyền của người Boruca có nguồn gốc từ thực vật được hái từ những ngọn đồi và con suối xung quanh dãy Talamanca.

Những truyền thuyết độc đáo của người Boruca

Truyền thuyết về chàng trai Cuasran bất tử

Người Boruca có rất nhiều thần thoại và truyền thuyết được truyền miệng qua nhiều thế hệ. Những câu chuyện truyền miệng đóng một vai trò quan trọng trong nền văn hóa của bộ tộc Boruca. Vị thần chính của bộ tộc Boruca là thần Sibu – vị thần tạo ra trái đất và loài người, đồng thời là vị thần của đạo đức và trí tuệ. Một trong những truyền thuyết hay được kể nhất liên quan đến thần Sibu là câu chuyện về chàng trai Cuasran – người đã cùng gia đình chạy trốn khỏi binh lính Tây Ban Nha và tìm nơi ẩn náu trên một ngọn núi gần làng Boruca.

Tại ngôi làng, thần Sibu đã trao cho anh món quà là sự bất tử và giao cho anh nhiệm vụ phải bảo vệ ngôi làng Boruca và người dân. Sau này, khu vực nơi gia đình chàng trai Cuasran trú ẩn được gọi là núi Cuasran. Ngày nay, núi Cuasran được coi là nơi linh thiêng nhất đối với bộ tộc Boruca.

Truyền thuyết về chàng trai Cuasran bất tử
Truyền thuyết về chàng trai Cuasran bất tử

Truyền thuyết báo đốm dẫn đường

Một truyền thuyết khác cũng được các thế hệ hay kể lại đó là câu chuyện về việc thần Sibu cử một con báo đốm dẫn đường cho bộ tộc Boruca đến nơi trú ẩn an toàn khỏi binh lính Tây Ban Nha. Sau khi đưa người dân đến nơi an toàn, con báo đốm quay trở lại chiến đấu với lính Tây Ban Nha. Nhưng trước khi rời đi, con báo đặt chân lên một tảng đá lớn và in hình chân để tượng trưng cho tinh thần chiến binh của mình.

Hiện nay, tảng đá đó vẫn còn tồn tại ở núi Mano de Tigre (thuộc dãy Talamanca) và vết chân báo đốm vẫn còn được nhìn thấy rõ. Báo đốm là một trong những động vật quan trọng nhất đối với bộ tộc Boruca. Hình tượng báo đốm được khắc họa rất nhiều trong những chiếc mặt nạ của người Boruca vì nó tượng trưng cho tinh thần chiến binh của bộ tộc.

Mặt nạ là biểu tượng nghệ thuật của bộ tộc Boruca

Bộ tộc Boruca nổi tiếng khắp khu vực Trung Mỹ với những tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc. Đặc biệt phải kể đến những chiếc mặt nạ độc đáo. Những chiếc mặt nạ ban đầu được người Boruca tạo ra để xua đuổi kẻ thù. Phần lớn mặt nạ được chạm khắc từ thân cây gỗ bấc và cây tùng. Mặt nạ của người Boruca thường theo 3 kiểu riêng biệt. Kiểu thứ nhất là mặt nạ ma quỷ.

Mặt nạ là biểu tượng nghệ thuật của bộ tộc Boruca
Mặt nạ là biểu tượng nghệ thuật của bộ tộc Boruca

Mặc dù nhìn thoáng qua những chiếc mặt nạ quỷ trông hơi đáng sợ. Tuy nhiên nó lại là biểu tượng của sức mạnh và sự an lành của nền văn hóa Boruca. Kiểu thứ hai là mặt nạ mô tả sự đa dạng của các loài động thực vật trên lãnh thổ Boruca. Kiểu thứ ba là sự kết hợp của cả hai phong cách trên, pha trộn giữa phong cách truyền thống và phong cách hiện đại. Ba kiểu mặt nạ này cho đến nay vẫn được họ sản xuất và đưa vào sử dụng.

Cuối những năm 1960, đường cao tốc Liên Bắc Mỹ – Nam Mỹ được hoàn thành. Điều này đã giúp ngành du lịch đổ bộ vào Costa Rica. Nhiều người bày tỏ sự quan tâm đặc biệt văn hóa của người Boruca. Đây là lúc nền kinh tế của bộ tộc Boruca bắt đầu chuyển từ nông nghiệp sang du lịch. Cuộc sống hàng ngày ở Boruca giờ đây đã thay đổi nhiều theo hướng tập trung vào bảo tồn văn hóa. Ngày nay, 80% người Boruca là các nghệ nhân, thợ chạm khắc mặt nạ hoặc thợ dệt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *