Bệnh sởi là một trong số những căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính phổ biến nhất, bệnh này do virus sởi gây ra. Virus sởi rất dễ lây khi người bệnh ho và hắt hơi, vì vậy nếu bạn tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh thì có khả năng cao là bạn cũng sẽ mắc bệnh. Đặc điểm lâm sàng của căn bệnh này là sốt, viêm kết mạc, viêm đường hô hấp, tiêu hóa kém,… kèm theo đó là xuất hiện các nốt ban màu đỏ và chúng sẽ mọc khắp người. Nếu không được phát hiện kịp thời thì căn bệnh này ở trẻ em có thể trở thành dịch một cách rất nhanh chóng. Cùng gwaam.com tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh nguy hiểm này qua bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
Nguyên nhân khiến trẻ mắc phải căn bệnh sởi
Bệnh sởi do virus gây ra, phổ biến nhất vào mùa xuân. Vào thời gian này, nhiệt độ và độ ẩm trong không khí khá cao nên các loại virus, vi khuẩn gây hại dễ dàng sinh sôi và phát triển. Bệnh sởi thường lây lan với tốc độ nhanh chóng, do tiếp xúc với dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho hoặc hắt hơi trong không khí. Và trẻ em là một trong những đối tượng thường xuyên mắc phải căn bệnh này.
Dấu hiệu nhận biết trẻ đang bị sởi
Giai đoạn ủ bệnh có thể kéo dài từ 1 đến 2 tuần. Triệu chứng đầu tiên của bệnh là trẻ bị sốt cao và có thể kéo dài đến 7 ngày. Sau khi giảm sốt, trẻ sẽ có những triệu chứng như chảy nước mũi, nước mắt, ho nhiều,… Vài ngày sau đó, ban sởi sẽ xuất hiện ở mặt, cổ, rồi lan ra toàn thân. Ban sởi thường có màu đỏ hoặc nâu, hình dạng như dấu chấm nhỏ và kéo dài khoảng 1 tuần rồi biến mất hẳn.
Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn là các biến chứng của bệnh xuất hiện sau đó. Nếu mẹ nhận thấy ban sởi đã biến mất dần nhưng bé vẫn còn các triệu chứng như sốt cao, ho, sổ mũi, quấy khóc, biếng ăn,… thì rất có thể bé bị biến chứng do bệnh sởi gây ra. Các bậc phụ huynh nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và điều trị ngay.
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh
- Viêm phế quản – phổi: Đây là biến chứng thường gặp nhất. Mẹ có thể nhận thấy các dấu hiệu như sốt cao, khó thở, ho nhiều, khi khám phổi có ran phế quản và ra nổ, khi bác sĩ chụp X-quang, phát hiện hình ảnh viêm phế quản,… Nếu không được chữa trị kịp thời, có thể gây ra tử vong ở trẻ nhỏ.
- Viêm não – màng não – tủy cấp: Đây là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Một số dấu hiệu như sốt cao, co giật, hôn mê, rối loạn ý thức, liệt nửa người hoặc liệt một chi nào đó, viêm tai,…
- Viêm niêm mạc miệng – lợi miệng: Biến chứng này sẽ gây loét niêm mạc miệng. Nếu lan sâu, loét vào đến xương hàm, sẽ dẫn đến tình trạng hoại tử niêm mạc, hơi thở thường có mùi hôi khó chịu, gây rụng răng và viêm xương.
- Biến chứng tai – mũi – họng: Bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng về tai, mũi, họng. Nó có thể khiến trẻ bị viêm mũi, viêm họng; thậm chí dẫn đến bệnh viêm tai, viêm tai xương chũm.
- Suy giảm miễn dịch: Khi mắc bệnh sởi và các biến chứng do sởi gây ra, trẻ cũng thường bị suy giảm hệ miễn dịch, sức đề kháng yếu kém và dễ dàng mắc các bệnh khác như lao, ho gà, bạch cầu,…
Phương pháp điều trị bệnh sởi cho trẻ
Trong trường hợp điều trị bệnh tại nhà, cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ bị sởi như sau:
- Trẻ sốt trên 38.5 độ C, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với các trẻ khác lây bệnh.
- Vệ sinh thân thể hằng ngày, giữ gìn nơi ở và môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát.
- Lựa chọn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, dễ tiêu, nấu chín kĩ. Khi ăn nên chia thành nhiều bữa nhỏ.
- Đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin A cho trẻ, tránh loét giác mạc, mù mắt.
Cách phòng ngừa bệnh sởi cho trẻ
Tiêm vacxin:
- Tiêm vacxin là biện pháp phòng sởi an toàn nhất.
- Tiêm vaccin phòng bệnh sởi mũi đầu khi trẻ được 9 tháng, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng.
- Tiêm phòng muộn không ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch.
- Trường hợp đã tiếp xúc với nguồn lây có thể dùng globulin miễn dịch có thể phòng ngừa hoặc làm giảm mức độ nặng của bệnh.
Vệ sinh cá nhân và môi trường:
- Khi phát hiện trẻ mắc bệnh cần cách ly trẻ bệnh với trẻ lành.
- Đảm bảo tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn.
- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hay nghi ngờ bệnh sởi.
- Tránh tối đa việc dụi mắt,mũi.
- Vệ sinh đường mũi, mắt hàng ngày.
- Lau nhà, bàn, ghế, cầu thang đồ chơi nơi khu vực vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.